HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẮC GIANG
bac giang farmer’s union
Loại virus gây viêm da nổi cục trên bò?
Người viết: Nhà thương mại Tư Mại
Thời gian gửi: 04:25 21-04-2023
Nội dung câu hỏi:
Theo em tìm hiểu trâu, bò bị viêm da nổi cục là do virus gây nên. Các chuyên gia cho em hỏi đó là loại virus gì và cách phòng ngừa ạ
1. Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh Viêm da nổi cục còn gọi là bệnh da sần (tên tiếng Anh: Lumpy skin disease). Đây là 1 bệnh truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra. Bệnh gây ra cho Trâu, bò mọi lứa tuổi với các triệu chứng điển hình là các tổn thương trầm trọng trên da, niêm mạc hầu, hộng, đường hô hấp. 2. Triệu chứng bệnh: Lúc đầu Trâu, bò mắc thường có những biểu hiện mệt mỏi, lừ đừ, ngại di chuyển, có thể chán hoặc bỏ ăn; sốt cao (có thể trên 410C), các hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi) sưng to. Sau khi sốt thấy xuất hiện những vùng lông dựng đứng hình tròn (các nốt sần) có đường kính từ 0.5 – 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, cơ quan sinh dục và đáy chậu. Các nốt sần này chắc và nhô cao trên da. Về sau, nếu nhiễm trùng thứ phát các nốt sần có thể bị hoại tử, vỡ ra và hình thành các nốt loét chảy mủ, chảy máu và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng, để lại sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Các nốt sần, vết hoại tử có thể xuất hiện ở niêm mạc miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản, phổi làm cho con vật tiết nhiều nước bọt, ho, khó thở. Ngoài ra con vật có thể bị viêm kết mạc, viêm giác mạc. Những tổn thương trên cơ quan sinh dục ở bò đực gây đau đớn, cản trở khả năng phối giống; trâu, bò cái bị chậm phát dục, động dục. Những tổn thương ở chân hạn chế khả năng vận động nghiêm trọng. Những con vật bị nhiễm nặng trở nên gầy rộc, hốc hác, sự suy yếu có thể kéo dài 3-6 tháng và đôi khi có thể lên 6 tháng, nhiều con có thể chết ngay. Hình ảnh Bò bị Viêm da nổi cục 3. Chẩn đoán bệnh Chẩn đoán lâm sàng dựa trên những biểu hiện như sốt và các nốt sần đặc trưng trên da trâu, bò mắc bệnh. Chẩn đoán lâm sàng cần được xác nhận bằng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm; lấy mẫu gửi đi xét nghiệm; cách lấy mẫu: + Các nốt sần, vảy da (là nơi chứa lượng virus cao): Cạo sạch lông xung quanh nốt sần, vảy da, dùng panh kẹp cả nốt sần kéo ra, cắt nốt sần, vảy da bỏ vào lọ chứa dung dịch đệm bảo quản hoặc nước muối sinh lý; + Dịch mắt, mũi, miệng, sữa, tinh dịch: Dùng panh kẹp gạc y tế ngoáy vào các vị trí chứa dịch cho vào lọ chứa dung dịch đệm bảo quản; + Mẫu máu: lấy mẫu máu cho vào ống chống đông (có thể sử dụng ống chống đông lấy mẫu máu xét nghiệm bệnh DTLCP); 4. Các biện pháp phòng, chống bệnh Khi chưa có dịch: - Chỉ nhập, tiếp nhận trâu, bò có rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch theo quy định. - Thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như: Thường xuyên tổng vệ sinh tiêu độc, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi. - Chủ động dùng vắc xin tiêm phòng cho toàn đàn. Hiện nay dùng Vắc xin Lumpyvac để phòng bệnh VDNC trâu bò với liều lượng 2ml/con. - Hạn chế các vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi...) bằng cách phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, dùng thuốc tiêu diệt ruồi, muỗi. - Thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng để tăng sức đề kháng tự nhiên cho con vật. Khi có dịch xảy ra - Phong tỏa: tiến hành phong tỏa vùng dịch, ổ dịch. Dựng biển báo, lập chốt kiểm dịch tạm thời tại các vị trí giao thông ra vào vùng dịch và thực hiện các nhiệm vụ giám sát, kiểm tra; nghiêm cấm vận chuyển trâu, bò ra vào vùng dịch; thực hiện công tác chống dịch theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y. - Tiến hành tiêu hủy đối với sản phẩm của trâu, bò bị bệnh, trâu, bò bị chết do bệnh VDNC; - Trường hợp không tiêu hủy, tổ chức ký cam kết với người chăn nuôi tự chăm sóc, nuôi dưỡng cách ly tại hộ gia đình, không bán chạy, giết mổ trâu bò mắc bệnh, nghi mắc bênh; - Tiến hành xử lý đối với chất thải của bò, thức ăn hoặc chất độn chuồng bị nhiễm bệnh hoặc có khả năng nhiễm bệnh. Khử trùng tiêu độc nghiêm ngặt đối với vật phẩm, phương tiện giao thông, khu vực để dụng cụ, nền chuồng… người, xe cộ và các thiết bị liên quan. - Tổ chức vệ sinh sát trùng tiêu độc môi trường thường xuyên (bao gồm sử dụng các thuốc đặc hiệu để tiêu diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng như Deltox, Hantox, thuốc diệt côn trùng ...), đặc biệt tại hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn có gia súc bệnh, nghi mắc bệnh. Ở bãi chăn thả và quanh khu vực chuồng nuôi cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thoát nước ở chỗ có vũng nước tù để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên; - Tiêm phòng khẩn cấp: Đối với huyện có dịch bệnh và các huyện lân cận, vùng nguy cơ cao sử dụng vắc xin VDNC đã được cơ quan nhà nước cấp đăng ký lưu hành để tạo miễn dịch khẩn cấp cho toàn bộ đàn bò./.