HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẮC GIANG

bac giang farmer’s union

Bắc Giang có hơn 7,1 nghìn ha lúa canh tác thân thiện với môi trường

Tin kỹ thuật

26/09/2024 16:49:03


Với sự tài trợ của tổ chức EarthCare Foundation và các đối tác, HND tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 3. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 4/2023 đến tháng 9/2024. Dự án do Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (T.Ư HND Việt Nam) phát động, triển khai, quản lý thực hiện.

Quang cảnh hội nghị.

Theo đó, HND từ tỉnh đến cơ sở hướng dẫn xây dựng 36 mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn 18 xã, phường gồm: Lương Phong, Thái Sơn (Hiệp Hòa); Tân Trung, Phúc Sơn (Tân Yên); An Thượng, Hồng Kỳ, Tân Hiệp (Yên Thế); Vĩnh An, Cẩm Đàn (Sơn Động); Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa (Lạng Giang); Tư Mại, Xuân Phú (Yên Dũng); Bảo Sơn, Bảo Đài (Lục Nam);  Hương Mai, Tự Lạn (thị xã Việt Yên). Quy mô thực hiện 2 sào/mô hình; mức hỗ trợ 1 triệu đồng/mô hình.

Các mô hình áp dụng triệt để 3 kỹ thuật trong canh tác lúa thân thiện với môi trường là: Sử dụng 100% phân vi sinh; tưới nước đúng kỹ thuật; sử dụng rơm rạ đúng cách. So với ruộng đối chứng, diện tích lúa áp dụng các kỹ thuật trên có bộ rễ phát triển mạnh, cây cứng khỏe, khả năng chống lại sâu bệnh tốt, đẻ nhánh khỏe hơn, năng suất lúa tăng từ 20-30%. Đặc biệt giảm chi phí canh tác, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm được sản xuất, chế biến từ lúa canh tác theo phương pháp thân thiện với môi trường. 

Từ hơn 2,5 ha ban đầu, đến nay, toàn tỉnh có hơn 7,1 nghìn ha lúa canh tác theo phương pháp thân thiện với môi trường, thu hút hơn 70 nghìn nông dân tham gia; trong đó nhiều đơn vị làm tốt như Việt Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa…

Dự án đạt kết quả nổi bật như trên vì Bắc Giang triển khai nhiều giải pháp, cách làm mới. Trước tiên, dự án được thực hiện phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh; nhận được sự quan tâm, ủng hộ cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; hằng năm, tỉnh đều cấp ngân sách đối ứng để triển khai, nhân rộng mô hình.

HND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, tập huấn, xây dựng mô hình điểm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hình thành vùng sản xuất hàng hóa; tuyên truyền, vận động thông qua các tổ nhóm nông dân.

Đặc biệt, HND tỉnh tổ chức hội thi tìm hiểu, tuyên truyền về canh tác lúa thân thiện với môi trường theo hình thức sân khấu hóa, tạo sức lan tỏa rộng khắp. Cùng đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện dự án quan tâm, bố trí kinh phí hỗ trợ.

Đại diện HND tỉnh và đơn vị tài trợ dự án trao Kỷ niệm chương cho các cá nhân.

Tuy nhiên, dự án cũng có những tồn tại như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện dự án; có cán bộ kỹ thuật được phân công nhiệm vụ chưa sâu sát, tích cực hướng dẫn nông dân chuyển đổi hình thức canh tác lúa; nhận thức của một bộ phận nông dân về canh tác lúa thân thiện với môi trường còn hạn chế…

Thời gian tới, các cấp HND tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các kỹ thuật trong canh tác lúa thân thiện với môi trường. Hiện HND tỉnh đang trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”, giai đoạn 2025-2030.

Nhân dịp này, HND tỉnh trao tặng Kỷ niệm chương cho 60 cá nhân có đóng góp tích cực; Ban Quản lý dự án lúa tỉnh Bắc Giang tặng Giấy chứng nhận cho 8 tập thể, 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án.

Tin, ảnh: Mạc Yến