HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẮC GIANG

bac giang farmer’s union

Thu hoạch và bảo quản đậu tương

Tin kỹ thuật

Thứ năm, 11 Tháng 11 2021 09:30


1. Thời điểm thu hoạch

Cần phân biệt hai giai đoạn chín của quả đậu tương để lựa chọn thời điểm thu hoạch hợp lý.

- Thời kỳ chín sinh lý: Khi cây đậu tương có 50% số lá trên cây đã chuyển sang màu vàng.

- Thời kỳ chín hoàn toàn: Khi hầu hết tất cả các lá trên cây đã vàng, rụng; khoảng 95% số quả trên cây chuyển sang màu nâu xám; lúc này là thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch; nếu thu hoạch sớm, sẽ tốn nhiều công phơi, hạt chưa thật già, không đủ chất lượng khi bảo quản. Nếu thu hoạch muộn, một số quả già sẽ bị tách vỏ hạt rơi vãi, làm giảm năng suất; gặp thời tiết nắng gắt, dinh dưỡng hạt đậu cũng bị giảm.

2. Phương pháp thu hoạch

- Khi thu hoạch, cắt cây về phơi khô sau đó đập lấy hạt.

- Nên thu vào thời gian có những ngày nắng ráo, phơi khô, đập ngay hoặc đập sau ủ 1 - 2 ngày.

- Loại bỏ rác, tạp chất, hạt xanh non, hạt nhỏ; phơi hạt tới khi khô giòn (cắn hạt giòn không dính răng), khi độ ẩm còn khoảng 12% thì đưa vào bảo quản.

Lưu ý: Không được phơi quá nắng, hạt khô quá.

- Đậu tương khi chín vẫn còn rất nhiều lá trên cây; nếu cứ để cả lá thu hoạch sẽ tốn thêm nhiều công lao động cho các khâu cắt cây, bốc vác, phơi khô, ra hạt và làm sạch hạt. Nếu thu hoạch vào mùa mưa còn khó khăn hơn nhiều do lá đậu tương hấp thụ nước, làm cho quá trình phơi khô kéo dài, có thể ảnh hưởng đến chất lượng của hạt đậu tương. Bởi vậy, làm rụng lá đậu tương trước khi thu hoạch không chỉ đem lại lợi ích giảm chi phí công lao động mà còn có tác dụng để lại cho đất một lượng phân bón hữu cơ rất lớn; khi đậu tương đã chín, tận dụng con nước lớn đưa nước vào ruộng từ 10 - 15cm; Chú ý: điều chỉnh mức nước sao cho nước không ngập quả, phương pháp này chỉ sử dụng được cho những ruộng đậu tương không bị đổ ngã cây. Sau 2 ngày ngâm nước thì tháo rút hết nước đi, khi đó lá đậu tương sẽ vàng và rụng xuống đất.

3. Kỹ thuật phơi ủ cây

- Ngày thứ nhất (thu hoạch): Chọn ngày nắng ráo, cây thu hoạch về cắt bỏ gốc rễ, lá rồi đem phơi thêm một nắng, buổi chiều thu dọn xếp dựng đứng cây trong nhà, không được xếp đống gây hấp hơi, bốc nóng, gây mốc, hỏng hạt hoặc giảm chất lượng của hạt.

- 2 ngày tiếp theo: Tiến hành ủ 2 - 3 ngày đêm để cho quả chín đều, hạt vàng, không nứt; khi gặp nắng cần tranh thủ phơi ngay, bỏ qua giai đoạn ủ để tránh cây gặp mưa ẩm làm mốc hạt.

- Ngày tiếp theo: Đem phơi thêm một nắng, đập lấy hạt đợt 1, phơi khô, chọn lọc, làm sạch hạt.

4. Bảo quản

- Thời hạn cho phép bảo quản đậu tương phụ thuộc vào đặc tính giống, công nghệ trước thu hoạch, nhiệt độ và độ ẩm không khí lúc bảo quản. Trong đó, nhiệt độ và độ ẩm không khí là yếu tố quan trọng nhất.

- Giảm càng thấp độ ẩm, càng tăng thêm thời gian bảo quản; phơi càng khô, bảo quản càng được lâu hơn.

Chú ý: Hạt đã được phơi thật khô, nhưng nếu bảo quản trong điều kiện ẩm (độ ẩm không khí cao) hạt đậu tương sẽ hút ẩm trở lại; do đó, hạt đậu tương không những phải phơi thật khô mà còn phải được bảo quản trong điều kiện thật khô ráo, có ẩm độ không khí càng thấp càng tốt./.

Nguồn: Bản tin Khoa học nhà nông