HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẮC GIANG

bac giang farmer’s union

Kinh nghiệm trồng cây Đinh lăng làm dược liệu

Tin kỹ thuật

Thứ năm, 11 Tháng 11 2021 09:30


Cây đinh lăng là cây thuộc họ ngũ gia bì, cây trồng khá dễ, thường được trồng để lấy lá, rễ, thân, lá cây có thể được dùng làm thuốc trị bệnh hoặc làm rau gia vị. Ngoài ra cây đinh lăng còn được biết đến là một loài cây thuốc chữa bệnh cực kỳ hiệu quả và được ví như nhân sâm Việt, do vậy, hiện nay đinh lăng được rất nhiều bà con áp dụng và nhân rộng thành nhiều mô hình trang trại vô cùng hiệu quả.

Đinh lăng là cây sống nhiều năm, ưa ẩm, ưa sáng, chịu hạn nhưng không chịu úng ngập. Cây có biên độ sinh thái rộng, phân bố trên khắp các vùng sinh thái, có thể phát triển trên nhiều loại đất. Cây phát triển mạnh khi nhiệt độ dưới 25 độ C (từ giữa thu đến cuối xuân). Trong các loại thì đinh lăng lá nhỏ là loài đang được sử dụng nhiều nhất. Đinh lăng lá nhỏ có hai loại chính là đinh lăng nếp (lá nhỏ, xoăn, thân nhẵn, củ to, rễ nhiều và mềm, vỏ dày cho năng suất cao và chất lượng tốt) và đinh lăng tẻ (lá sẻ thùy to, vỏ thân xù xì, màu xanh nhạt, củ nhỏ, rễ ít và cứng, vỏ bì mỏng, năng suất thấp). Hiện nay, đinh lăng nếp là loại hay được bà con chọn để làm giống.

Đinh lăng có thể trồng được ở nhiều chân đất nhưng tốt nhất là trên đất pha cát, tơi xốp, thoát nước tốt. Trước khi trồng phải cải tạo lại đất kỹ, xử lý bằng vôi bột và lân. Việc chuẩn bị đất cần tiến hành trước thời điểm xuống giống khoảng 20 - 30 ngày để đất ổn định, hệ vi sinh phát triển cân bằng, tạo điều kiện tốt nhất cho cây con sinh trưởng.

Nếu trồng theo hố, phải cày bừa làm đất tơi, đào hố kích thước 20x20x20 cm. Nếu trồng theo hàng cần làm luống rộng 60 cm, cao 25 – 30 cm, đào hốc thành hai hàng lệch nhau, cây cách cây 50 cm.

Trồng chuyên canh, cây cách cây 0,5 m; hàng cách hàng 0,8 m; mật độ 25.000 cây/ha. Trồng xen thì tùy khoảng cách giữa 2 hàng của cây trồng chính thiết kế khoảng cách cây trồng xen cho phù hợp; mật độ trồng xen khoảng 12.000 - 14.000 cây/ha.Trồng bằng hom giống cần chọn những cành khỏe, cành bánh tẻ, cành vừa hóa nâu, sau đó cắt từng khoảng dài 20 cm để làm hom giống, đặt hom giống nghiêng 45 độ theo mặt hố đã chuẩn bị sẵn, sau đó lấp hom, để hở đầu hom trên mặt đất 5 cm. Trồng bằng cây giống, sau khi xé túi bầu, đặt cây giống giữa hố trồng, lấp đất, dùng tay nén xung quanh gốc. Trồng xong, phủ rơm rạ lên mặt luống để giữ độ ẩm và tạo mùn cho đất tơi xốp. Sau khi trồng, tưới nước thường xuyên đảm bảo độ ẩm cho đất trong khoảng 25 ngày, không để ngập úng khiến cây bị chết hoặc sinh trưởng chậm. Tùy theo việc trồng chuyên canh hay xen canh để chọn chế độ bón phân thích hợp.

Từ năm thứ 2 trở đi cần tỉa bớt lá và cành, mỗi năm 2 đợt vào tháng 4 và tháng 9. Mỗi gốc chỉ để 1 – 2 cành to, tập trung dinh dưỡng nuôi cành chính và củ đinh lăng. Bón thúc vào tháng 8 – 9 dương lịch, vun đất phủ kín phân bón, để cây có điều kiện phát triển mạnh vào năm sau. Thường xuyên dọn cỏ sạch sẽ trong vườn, tránh để cỏ rậm rạp vừa cạnh tranh dinh dưỡng với cây, vừa là nơi cư trú, lan truyền mầm bệnh.

Giai đoạn đầu trồng cây nên chú ý phòng trừ sâu xám, rầy, rệp sáp, sâu ăn lá, nấm bệnh, … bằng các thuốc trừ sâu có tính nội hấp, lưu dẫn. Từ năm thứ 2 trở đi, cây dễ bị chuột cắn rễ nên cần có các biện pháp diệt chuột thường xuyên. Thường khi sang năm thứ 2 cây đã khỏe mạnh và rất ít sâu bệnh, công tác chăm sóc tập trung vào bón phân và tưới nước.

Thông thường cây đinh lăng từ 3 năm tuổi là cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch vào tháng 10 -12 hàng năm. Sau khi thu hoạch tiến hành phân loại những thân tốt để làm giống. Các bộ phận khác như rễ, thân, lá có thể bán tươi hoặc chế biến ngay.

Nguồn: Theo Bản tin Khoa học Nhà nông