HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẮC GIANG

bac giang farmer’s union

Hình thành nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0

Tin khoa học

07/08/2024 15:48:15


Cần sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp

Chiều ngày 23/7/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp 2024 “Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0”.

Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0
Ông Hoàng Quang Phòng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Anh
Diễn đàn góp phần nhận diện các cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam; đồng thời đưa ra giải pháp để ứng dụng công nghệ 5.0 thành công tạo chuỗi sản xuất cung ứng ngành nông nghiệp bền vững...

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhận định: “Trong khi Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa robot, trí thông minh nhân tạo, thiết bị kết nối mạng nhanh và dữ liệu lớn trong một môi trường sản xuất, hoạt động hiệu quả, nhanh chóng của các nhà máy công xưởng phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ. Cách mạng công nghiệp 5.0 lại tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc, qua đó nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa”.

Đồng thuận với quan điểm cần có sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới ở Việt Nam và đã có những mô hình đột phá nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Sản xuất nông nghiệp đã đến ngưỡng về năng suất. Trong khi đó, Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu rất cao.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.

Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.

"Để duy trì tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đề ra nêu trên, ngành nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng bước vào hành trình nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0..." - ông Anh Tuấn nhấn mạnh.

Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp "Xanh - Tuần hoàn và Bền vững"

Nông nghiệp Việt Nam đã tiếp cận nhiều thành tựu công nghệ nhưng vận dụng, áp dụng thế nào để mang lại hiệu quả và liên kết sản xuất thế nào để đầu tư công nghệ hợp lý là bài toán khó.

Theo ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần phải có nguồn nhân lực thông minh.

Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0

Muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần phải có nguồn nhân lực thông minh. Ảnh minh hoạ

Trên thực tế, ở nước ta hiện nay, người nông dân nói riêng cũng như đội ngũ nhân lực làm nông nghiệp nói chung, phần lớn còn đang làm nông nghiệp theo các phương thức truyền thống. Trình độ tiếp cận khoa học - công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn nhiều hạn chế.

Việc đầu tư vào hạ tầng và công nghệ cho sản xuất nông nghiệp bước đầu khá tốn kém, khiến cho nhiều doanh nghiệp còn e ngại. Ngoài ra, việc tiếp cận các nguồn lực để đầu tư và phát triển ngành nông nghiệp rất khó khăn. Ngành nông nghiệp hiện nay đang đối mặt nhiều rủi ro, đầu tiên là vấn đề thị trường. Hiện tượng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn còn xảy ra thường xuyên.

Chính vì vậy, việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học là tất yếu để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực, xây dựng nền tảng để phát triển "Nông nghiệp Xanh - Tuần hoàn - Bền vững".

Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra một số kiến nghị và đề xuất giải pháp cho sự phát triển nông nghiệp có chất lượng cao, 5.0... tạo sự kết nối, nguồn lực cho các bên tham gia.

Cụ thể, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai khu vực “Công - Tư”.

Đối với các tổ chức, doanh nghiệp khoa học đang thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng đã được giao tự chủ cần làm rõ hơn quyền tự chủ của các tổ chức này. Các tổ chức khoa học được giao tự chủ, tự cân đối tài chính, tự thu, tự chi cần phải được giao quyền tự quyết việc dùng tài sản Nhà nước được giao để tham gia hợp tác, đầu tư trên nguyên tắc không làm mất quyền sở hữu Nhà nước.

Đồng thời, Nhà nước sớm ban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới.

                                                                                                                                             Nguồn bài viết: theo Thời báo Tài chính