Trong lĩnh vực trồng trọt tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn được cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã. Doanh thu trung bình từ 200-320 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 1,2-2 lần so với sản xuất thông thường, nổi bật như vùng sản xuất vải thiều 29.959 ha, vùng sản xuất cây ăn quả có múi (cam, bưởi) 8.900 ha, vùng sản xuất na dai 2.132 ha, vùng sản xuất lúa chất lượng với quy mô 45.100 ha, vùng sản xuất rau an toàn, rau chế biến quy mô 12.600 ha, trên 900 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh đã góp phần tăng năng suất, giá trị, thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp ước đến hết năm 2023 đạt 135 triệu đồng/ha.
Ứng dụng khoa học- công nghệ, cơ giới hóa góp phần giảm công lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất. Cơ giới hóa trong khâu làm đất bình quân toàn tỉnh trên đạt 98%, khâu thu hoạch trên 90% đối với lúa, khâu vận chuyển đạt trên 70%, ứng dụng cộng nghệ máy bay không người lái vào gieo hạt và phun thuốc bảo vệ thực vật đối với cây lúa, khoai tây, cây ăn quả,...
Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Yên Dũng
Ngành chăn nuôi của tỉnh luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước, sản phẩm chăn nuôi không chỉ phục vụ cho tiêu thụ nội tỉnh mà còn xuất bán 60% ra các tỉnh lân cận. Chăn nuôi có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng chăn nuôi tập trung quy mô trang trại; chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi hướng tới giảm tỷ trọng đàn lợn, tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ (bò, dê, ngựa). Chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi tới giết mổ chế biến, phân phối sản phẩm được mở rộng, toàn tỉnh duy trì 10 chuỗi chăn nuôi lợn và chăn nuôi gia cầm gắn với giết mổ, chế biến; 02 chuỗi chăn nuôi dê, bò gắn với tiêu và trên 100 trang trại liên kết nuôi gia công với các Công ty, Tập đoàn chăn nuôi lớn như: CP, DABACO...
Phát triển thủy sản theo hướng công nghiệp, sinh thái, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại và quy trình nuôi trồng thủy sản tốt (GAP), an toàn sinh học và tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi. Diện tích nuôi thuỷ sản khoảng 12.000 ha, trong đó diện tích nuôi chuyên canh đạt 6.050 ha; diện tích nuôi thâm canh cao đạt 1.850 ha; diện tích nuôi thủy sản thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 850 ha.
Tốc độ tăng trường (GRDP) nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 dự kiến đạt 2,32%, năm thứ 4 liên tiếp ngành nông nghiệp tăng trưởng ở mức cao.
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2030 bình quân đạt từ 2-3%/năm, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng xây dựng các vùng chuyên canh, kết nối du lịch trải nghiệm gắn với tiêu thụ nông sản địa phương, tạo việc làm, gia tăng giá trị nông sản. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến, kết nối bền vững các chuỗi giá trị trong, ngoài tỉnh và toàn cầu. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò, vị thế của người tham gia sản xuất, tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn. Cùng đó đề xuất các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng, miền, địa phương./.
Nguồn: Sở NN&PTT tỉnh Bắc Giang